[1] Là sinh viên mới ra trường thì nên chọn hướng đi nào cho bền vững?
→ Lời khuyên cho bạn là nên tìm kiếm 1 công ty hay đội thi công nào đó có thể giúp bạn học hỏi thêm về công việc, những kỹ năng nghề và kinh nghiệm làm việc cần thiết. Trong 2 – 3 năm đầu tiên, đừng quá nặng nề về chuyện lương bổng mà hãy chú trọng vào việc học nghề. Khi bạn đã thực sự nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực hành – “tự tin làm được việc rồi” thì bạn có quyền định giá trị của bản thân thông qua mức lương.
[2] Các công ty luôn đòi hỏi ứng viên phải có kinh nghiệm nhưng sinh viên mới ra trường thì lấy đâu ra kinh nghiệm?
→ Không chỉ riêng ngành xây dựng, hầu như nhà tuyển dụng trong lĩnh vực nào cũng yêu cầu điều này – bởi họ đứng ở góc nhìn của một người sử dụng lao động, họ cần người am hiểu và làm việc được ngay. Nhưng điều đó không có nghĩa kỹ sư mới ra trường sẽ không có cơ hội tìm được việc. Quan trọng là bạn chọn cách bắt đầu như thế nào.
• Thứ nhất, nếu chưa có kinh nghiệm làm nghề, bạn không nên nộp hồ sơ vào doanh nghiệp lớn mà nên tìm các công ty nhỏ để làm. Trường hợp nơi bạn sinh sống quá khó khăn để tìm việc thì nên chấp nhận đi xa vài năm, làm việc cho các dự án ở các tỉnh vùng cao, vùng sâu, vùng xa – ở đó người ta rất cần lao động.
• Thứ hai, bạn cũng có thể nhờ các mối quan hệ quen biết giúp tìm việc – từ cô dì chú bác, hàng xóm láng giếng đến họ hàng gần xa… ai làm về xây dựng thì bắt mối làm quen nhờ giúp đỡ. Với ngành ngân hàng có thể tốn vài trăm triệu nhưng dân xây dựng thì chỉ cần hậu tạ bằng một chầu nhậu.
• Thứ ba, đôi khi kinh nghiệm không phải là yếu tố mang tính quyết định. Bởi từng có trường hợp 1 ứng viên chưa có kinh nghiệm lại vượt qua được 2 ứng viên đã sở hữu tay nghề 3,4 năm chỉ vì cậu ấy có khả năng đá bóng giỏi. Mà sếp thì đang cay vì hay đá thua các phòng ban khác.
[3] Học cầu đường nhưng ra trường đi làm dân dụng có được không?
→ Thực tế thì chuyên ngành xây dựng nào cũng là kỹ sư kết cấu cả, nếu biết càng nhiều thì bạn càng chủ động hơn trong công việc. Đồng thời bạn có được nhiều cơ hội lựa chọn việc làm. Và có điều cần nhớ là bạn học cầu đường vẫn có thể làm dân dụng hoặc ngược lại. Nhưng nếu chuyển hướng hẳn sang một lĩnh vực khác như làm nhà xưởng hay thi công chống thấm, nội thất… sau vài năm khi cảm thấy không phát triển được muốn quay lại nghề xây dựng sẽ khá khó khăn, bởi kiến thức tích lũy được sau thời gian dài không sử dụng sẽ mai một dần theo thời gian.
[4] Nên đặt mục tiêu nghề nghiệp thế nào?
→ Về mục tiêu nghề nghiệp, tốt nhất bạn nên đề ra cho mình những mục tiêu cụ thể và phù hợp với khả năng bản thân. Nếu là sinh viên mới ra trường, không nên đặt nặng chuyện lương bổng mà chú trọng hơn vào việc tìm môi trường giúp bạn học làm nghề tốt. Để tầm 3 năm sau có thể lên được vị trí đội phó hay chỉ huy phó – khi đó lương cao trở thành việc đương nhiên.
[5] Điều gì là cần nhất cho công việc?
→ Hãy là một người được việc và thể hiện tác phong làm việc chuyên nghiệp. Khi đã vững vàng về chuyên môn mà có thêm các kỹ năng giao tiếp, tiếng Anh… sẽ giúp bạn nhanh thăng tiến trong nghề.
[6] Làm nghề bao lâu sẽ được làm sếp?
→ Không phải ai sinh ra cũng có thể làm sếp bởi nó còn phù thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau: ý chí cầu tiến, kinh nghiệm và khả năng chớp cơ hội. Mà muốn có kinh nghiệm đầy mình thì ít nhất sẽ trải qua vài lần thương tích. Bởi bài học đắt giá thì học phí cũng không hề rẻ.
[7] Kỹ sư hơn thợ ở điểm nào?
→ Quá trình làm nghề cho thấy không phải kỹ sư nào cũng giỏi và không phải thợ nào cũng kém. Điều quan trọng là đặt họ vào đúng vị trí công việc nào cho hiệu quả nhất. Với kỹ sư xây dựng khi được đào tạo chính quy thường sẽ biết cách thức nhìn ra vấn đề và lường trước những sai sót có thể xảy ra để đỡ thiệt hại cho công ty. Vì 1 người biết lo sẽ bằng cả kho người làm.
Và đôi lời dành cho anh em kỹ sư trẻ là nên đi theo những người có kinh nghiệm và giỏi hơn mình để học hỏi. Đồng thời cũng nên xây dựng các mối quan hệ trong công việc, cùng hỗ trợ nhau khi cần.