Cầu Brooklyn bắc ngang con sông nằm giữa hai thành phố Manhattan và Brooklyn chính là phép lạ của ngành xây dựng.
Cầu Brooklyn chính là phép lạ của ngành Xây dựng
Vào năm 1883, John Roebling – một kỹ sư giàu óc sáng tạo – lòng đầy hứng khởi khi nảy ra ý kiến xây một cây cầu thật ngoạn mục bắc ngang hai thành phố này.
Ý tưởng táo bạo của ông bị nhiều người cho rằng điên rồ. Họ bảo ông hãy quên điều đó đi vì không thể làm được cây cầu như vậy. Khi ông trình bày ý tưởng, không một chuyên gia về cầu đường nào chịu hợp tác với ông.
Roebling không thể quên đi hình ảnh về cây cầu trong tâm trí ông. Ông lúc nào cũng nghĩ về nó và sâu thẳm trong trái tim, ông biết ý tưởng ấy có thể thực hiện được. Ông cần phải chia sẻ mong muốn này với một ai đó có thể giúp được mình.
Trở về nhà, ông thuyết phục con trai mình là Washington cũng là một kỹ sư đầy tiềm năng, rằng có thể xây được cây cầu như vậy. Cả hai cha con cùng ấp ủ ý muốn hoàn thành cây cầu và bàn luận về cách vượt qua mọi trở ngại.
Hai cha con sau đó gặp may mắn khi được các ngân hàng tin tưởng. Ngân hàng đã đồng ý bỏ tiền ra cho dự án xây cầu. Hết sức phấn khích và nhiệt thành, họ tuyển nhân công và bắt đầu xây cây cầu trong mơ của mình.
Dự án xây cầu khởi đầu tốt đẹp nhưng chỉ vài tháng sau khi tiến hành, tai họa đã ập đến. Một tai nạn tại công trường đã cướp đi chính sinh mạng ông John Roebling.
Con trai ông bị thương nặng ở đầu. Washington sau tai nạn ấy đã không thể đi đứng và nói được. Mọi người đều nghĩ là dự án này sẽ phải hủy bỏ vì chỉ có cha con Roebling là những người duy nhất hiểu được cách xây chiếc cầu.
Dù không thể đi lại và nói chuyện nhưng đầu óc Washington Roebling vẫn còn rất tinh anh. Bỗng một ngày, khi đang nằm trong bệnh viện, trong đầu ông chợt nghĩ ra cách “nói chuyện” với người khác.
Khi đó, ông chỉ có một vận động cơ thể duy nhất đó là nhúc nhích một ngón tay. Vì thế, ông nghĩ ra một bộ mã truyền tin. Ông dùng ngón tay còn chuyển động được gõ ra ý nghĩ của mình vào tay vợ mình để thông tin với vợ những gì cần nói với các kỹ sư vẫn đang tiếp tục xây dựng cây cầu.
Trong suốt 13 năm, Washington đã ra lệnh bằng ngón tay duy nhất còn chuyển động của mình cho đến khi hoàn thành cây cầu Brooklyn kỳ vĩ mà chúng ta nhìn thấy ngày hôm nay.
Với chiều dài chưa từng có và hai tòa tháp trang nghiêm, cầu Brooklyn được mệnh danh là “kỳ quan thứ tám của thế giới”. Trong một vài năm sau khi xây dựng, nó vẫn là cấu trúc cao nhất ở Tây bán cầu. Nó kết nối giữa các trung tâm dân cư lớn của Brooklyn và Manhattan thay đổi tiến trình phát triển của thành phố New York mãi mãi.
Năm 1898, thành phố Brooklyn chính thức sáp nhập với thành phố New York, Staten Island và một vài thị trấn nông nghiệp, hình thành nên New York vĩ đại bây giờ.
Ngày nay, cây cầu Brooklyn vĩ đại đứng kiêu hãnh trong sự vinh quang, khiến người ta nhớ đến chiến thắng của một người đàn ông với ý chí bất khuất và sự quyết tâm không chịu đầu hàng nghịch cảnh.
Cây cầu Brooklyn cho chúng ta thấy rằng những mơ ước tưởng như không thể thực hiện được vẫn có thể trở thành sự thật với sự quyết tâm và kiên trì, bất chấp thử thách, bất chấp khó khăn là gì đi chăng nữa.
(Sưu tầm Internet)