Chiều 24/4, Khoa Xây dựng (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) đã tổ chức buổi toạ đàm “Học ngành Xây dựng, tương lai bền vững”.
Tham dự sự kiện có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Thị Bình – Trưởng khoa Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cùng 4 vị khách mời là chuyên gia trong ngành xây dựng là ông Bùi Xuân Phước – Giám đốc văn phòng kết cấu 2, Tổng công ty tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC); ông Nguyễn Tiến Dương – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Quản lý Dự án và Đầu tư-CPMI, CO-Founder GCD; ông Trần Bá Việt – Phó Chủ tịch Hội bê tông Việt Nam; ông Trần Đình Tùng – Chủ tịch Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam (VSCE), Fouder hệ sinh thái giáo dục TRV Holdings.
Tại buổi toạ đàm, các vị khách mời đã chia sẻ, trả lời những thắc mắc của các bạn sinh viên về cơ hội nghề nghiệp, mức lương khi học ngành Xây dựng, cũng những kiến thức kỹ năng để đáp ứng công việc khi ra trường…
Cơ hội việc làm của ngành xây dựng là rất lớn
Chia sẻ về con số liên quan đến ngành xây dựng, ông Trần Đình Tùng – Chủ tịch Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam (VSCE) cho hay, kỹ sư ngành xây dựng của Việt Nam đã có trình độ cao khi xây dựng được những công trình lớn, ví dụ như toà nhà Landmark 81 cao 81 tầng. Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp Việt Nam thành công trong lĩnh vực xây dựng.
“Nếu như trước đây, chúng ta làm nhà thầu phụ cho các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài, còn giờ đây thì ngược lại. Đây là niềm tự hào của ngành xây dựng Việt Nam”, ông Tùng chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ AI đang là thách thức với tất cả các ngành trong đó có ngành xây dựng. Vì vậy, doanh nghiệp và các trường đại học cũng cần phải đổi mới.
Để khắc phục thách thức về công nghệ AI, theo ông Tùng, chúng ta cần phải học và sử dụng biến nó thành trợ lý thông minh phục vụ công việc.
Bên cạnh đó, ông Tùng cũng thẳng thắn chia sẻ, thách thức nữa đối với ngành xây dựng là vừa qua bất động sản rơi vào giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội nếu chúng ta có cách làm, tư duy khác về bất động sản.
Chia sẻ tại tọa đàm ông Nguyễn Tiến Dương – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Quản lý Dự án và Đầu tư-CPMI, CO-Founder GCD cho hay, ngành xây dựng chiếm 6,19% GDP của cả nước. Tổng số doanh nghiệp xây dựng năm 2021 là 94.239 doanh nghiệp (chiếm 13,8% số doanh nghiệp của cả nước), có 7 triệu nhân lực có trình độ chất lượng cao và dự kiến năm 2030 lên 13 triệu nhân lực.
Ông Dương cho hay, dự báo từ năm 2023-2028, chỉ số tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) của ngành xây dựng sẽ là 8,5%, trong khi đó tăng trưởng GDP toàn cầu là 2% và của Việt Nam là 6%. Đây là một con số ấn tượng với ngành xây dựng trong những năm tới. Bên cạnh đó, nhu cầu về xây dựng nhà ở tại Việt Nam là rất lớn.
“Hiện nay, nhân lực ngành xây dựng đang thiếu. Vì vậy, những sinh viên học ngành Xây dựng hãy yên tâm khi ra trường là có việc làm”, ông Dương chia sẻ.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Quản lý dự án và đầu tư – CPMI chia sẻ, thu nhập bình quân của ngành xây dựng nằm trong top 4 ngành là y tế, công nghệ thông tin và tài chính. Thu nhập ngành xây dựng trung bình từ 8-40 triệu đồng/tháng.
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, mức lương quản lý dự án trung bình là 23,9 triệu đồng/tháng (khoảng lương từ 16-47 triệu đồng/tháng), vị trí giám sát thi công công trình từ 7-20 triệu đồng/tháng, bộ phận thiết kế 11-21 triệu đồng/tháng và thi công xây lắp từ 8-23,4 triệu đồng/tháng.
Ông cũng lấy ví dụ thực tế là tại công ty của ông, với vị trí giám sát dự án, công ty có thể trả mức lương tối thiểu 50 triệu đồng/tháng và tối đa là 80-100 triệu đồng/tháng.
“Các bạn sinh viên hãy nắm chắc lý thuyết trên lớp và phải học thật giỏi khi ra công trường xây dựng, để tạo cho bản thân sự nghiệp vững chắc”, ông Dương khuyên nhủ các bạn sinh viên.
Sinh viên cần phải trau dồi những kỹ năng nào?
Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Tiến Dương cho rằng, sinh viên cần học kỹ năng như ngoại ngữ, ví như các đơn vị xây dựng cần kỹ sư nói tiếng Anh tốt hay dự án ODA vào Việt Nam rất nhiều, và công ty cần kỹ sư giỏi ngoại ngữ. Bản thân ông hiện cũng đang học tiếng Trung để giao tiếp trực tiếp với các đối tác, bởi lẽ khi thông qua phiên dịch viên, nhiều từ ngữ chuyên ngành không được diễn tả chính xác.
Tiếp đó, ông cho rằng, kỹ năng nữa các sinh viên cần phải có là học BIM (BIM – Building Information Modeling là một quy trình liên quan tới việc tạo lập và quản lý những đặc trưng kỹ thuật số trong các khâu thiết kế, thi công và vận hành các công trình), và sử dụng thành thạo các phần mềm phục vụ cho công việc.
Theo ông Trần Bá Việt – Phó Chủ tịch Hội bê tông Việt Nam, nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam rất lớn, bên cạnh đó Chính phủ có những chính sách về xây dựng nhà ở như 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng…
Vì vậy, ông cho rằng, thách thức của các bạn sinh viên là cần phải tranh thủ học tập siêng năng.
Theo đó, sinh viên cần phải học các kỹ năng như về phần mềm, tiếng Anh…Sinh viên ra trường vào năm 2025, 2026, khi đó thị trường xây dựng được phục hồi, lúc đó mức lương của sinh viên mới tốt nghiệp không dưới 10 triệu đồng, nếu biết BIM, trong thiết kế và quản lý dự án sẽ có mức lương khoảng 25 triệu đồng/tháng…
“Vì vậy, các bạn sinh viên cần phải tích cực, chủ động học tập”, ông Trần Bá Việt chia sẻ.
Chia sẻ về phương pháp để có sự thành công trong ngành xây dựng, ông Trần Đình Tùng nhận định, bản thân các bạn sinh viên phải trả lời cho câu hỏi, vì sao chúng ta học nghề xây dựng và chúng ta làm gì trong quá trình thời sinh viên.
Ông cũng cho rằng, nhà tuyển dụng muốn tuyển những người có sự tự tin. Để gắn bó trong nghề xây dựng, các bạn sinh viên phải xây dựng lộ trình cho chính mình.
Theo ông Bùi Xuân Phước – Giám đốc văn phòng kết cấu 2, Tổng công ty tư vấn xây dựng Việt Nam – VNCC cho hay, với lĩnh vực xây dựng, việc ứng dụng công nghệ thông tin như BIM, sinh viên cần thành thạo trước khi ra trường.
“Sinh viên cần phải dự trù sau này sẽ làm gì, ví như nếu đi làm thi công sẽ phải chuẩn bị kỹ năng gì.
Theo đó, sinh viên ngành xây dựng phải đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng như thành thạo các phần mềm tính toán… để phục vụ cho công việc”, ông Phước chia sẻ.
Về lựa chọn việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp, ông Phước cũng có sự chia sẻ, với sinh viên khi ra trường sẽ có sự lựa chọn nơi làm việc, như công tác trong cơ quan nhà nước, giảng dạy trong các trường đại học, làm nghiên cứu, nếu có năng lực ngoại ngữ tốt có thể làm trong cơ quan nước ngoài hoặc đi làm ở nước ngoài và cuối cùng là làm tại các công ty tư nhân.
“Vì vậy, khi các bạn ra trường hãy chọn cơ quan nào để cánh cửa tương lai được mở ra nhiều nhất.
Các bạn ra trường, có thể băn khoăn về địa phương công tác, vị trí nghề nghiệp. Sau ba đến năm năm kinh nghiệm, nếu bạn đã làm thi công công trình nhưng muốn quay lại làm tư vấn thiết kế sẽ rất ngại, khó làm, còn nếu làm tư vấn thiết kế có thể chuyển qua làm được thi công…”, ông Phước chia sẻ.
Tại buổi toạ đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Thị Bình – Trưởng khoa Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cũng có những chia sẻ về công tác đào tạo của Khoa. Theo đó, Khoa đào tạo 4 chuyên ngành và có hơn 100 giảng viên cơ hữu…
Chương trình đào tạo theo phương pháp tiên tiến, hướng tiếp cận CDIO, có tính thực hành và khả năng ứng dụng cao. Đồng thời ứng dụng công nghệ BIM trong đào tạo.
“Theo quy định hai, đến ba năm, Khoa sẽ rà soát chương trình đào tạo và sẽ tìm hiểu về chương trình đào tạo của những trường đại học trong và ngoài nước để có sự cải tiến”, Trưởng khoa Xây dựng cho hay và chia sẻ thêm sắp tới, Khoa sẽ có thêm chương trình đào tạo về công trình xanh.