Năm 2023 được dự báo là một năm đầy biến động của ngành xây dựng. Tuy nhiên, ngành xây dựng vẫn có những điểm sáng ở lĩnh vực xây dựng hạ tầng và công nghiệp. Điều này mở ra không ít cơ hội việc làm cho những ai đang theo học ngành này. Hãy cùng TopCV.vn khám phá những vị trí HOT trong ngành và mức lương ngành xây dựng trong bài viết dưới đây nhé!
Xu hướng tuyển dụng ngành xây dựng năm 2023
Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực do thị trường bất sản đóng băng, nhưng chúng ta không thể phủ nhận mức độ phát triển của ngành xây dựng trong những năm qua. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đã đạt 41%, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2030 và công nghiệp phát triển vào năm 2040 thì con số này phải đạt từ 50-60%.
Bên cạnh đó, kế hoạch đầu tư công năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua với tổng số vốn lên đến 700.000 tỷ đồng. Điều này mở ra cơ hội cho lĩnh vực xây dựng hạ tầng, đặc biệt là các dự án cao tốc và nhà ở xã hội. Đồng thời, theo nhận định của chuyên gia, lĩnh vực xây dựng công nghiệp cũng là điểm sáng của toàn ngành trong năm 2023.
Từ những con số kể trên, dự báo nhu cầu tuyển dụng nhân lực cho ngành xây dựng sẽ tăng từ 400.000 – 500.000 lao động mỗi năm. Dự kiến đến năm 2030, nhân lực toàn ngành sẽ đạt tới con số 12 – 13 triệu lao động.
Tuy nhiên, đáng buồn thay, năng lực và trình độ chuyên môn của nhân lực ngành xây dựng ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, nhân lực có trình độ Cao đẳng, Trung cấp chỉ chiếm 11,8% hay số thợ bậc cao chỉ chiếm khoảng 7% nhân lực toàn ngành.
Những số liệu trên cho thấy ngành xây dựng của nước ta vẫn gặp nhiều khó khăn về nhân lực, đặc biệt là nhân lực bậc cao. Đây chính là cơ hội cho các bạn trẻ đang theo học ngành xây dựng.
Tổng hợp mức lương ngành xây dựng – nhóm nghề kỹ sư
Kỹ sư là nhóm nghề cốt lõi của ngành xây dựng, chiếm tỷ lệ cao nhất. Một số vị trí và mức lương ngành xây dựng trong nhóm nghề kỹ sư gồm:
Nhân viên QA, QC
Hay còn gọi kỹ sư QA, QC là những vị trí chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng của công trình xây dựng. Cụ thể, kỹ sư QA (Quality Assurance) là người thiết lập quy trình quản lý chất lượng. Kỹ sư QC (Quality Control) là người kiểm tra chất lượng công trình theo quy trình do kỹ sư QA đề ra.
Có thể thấy, QA và QC là hai vị trí có sự liên quan mật thiết với nhau. Kết quả cuối cùng mà cả kỹ sư QA, QC đều hướng đến là đảm bảo chất lượng và an toàn cho công trình xây dựng.
Mức lương ngành xây dựng vị trí nhân viên QA, QC: Trung bình khoảng 11 triệu đồng/tháng và khoảng lương phổ biến từ 8-15 triệu đồng/tháng.
Kỹ sư cầu đường
Sự phát triển của các dự án cao tốc đã và đang tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm cho vị trí kỹ sư cầu đường. Bởi kỹ sư cầu đường là người chịu trách nhiệm kỹ thuật, quản lý và giám sát cho các công trình xây dựng cầu cống, đường giao thông.
Cụ thể, công việc của kỹ sư cầu đường bao gồm những nhiệm vụ sau:
- Khảo sát địa hình, địa chất tại nơi thi công.
- Đọc bản vẽ thiết kế thi công, xác định số lao động, máy móc và vật tư thi công.
- Triển khai và giám sát thi công, đảm bảo công trình thi công đúng tiến độ.
- Xử lý những vấn đề về kỹ thuật hạ tầng trong quá trình thi công.
- Kiểm tra và giám sát khối lượng vật tư.
- Nghiệm thu hồ sơ công trình, hồ sơ hoàn công, thanh toán và quyết toán công trình.
Mức lương ngành xây dựng vị trí kỹ sư cầu đường: Trung bình khoảng 13 triệu đồng/tháng và khoảng lương phổ biến từ 10-16 triệu đồng/tháng.
Giám sát công trình
Giám sát công trình là vị trí không thể thiếu trong các dự án xây dựng. Họ có nhiệm vụ giám sát công trình, đảm bảo về mặt chất lượng, thời gian và an toàn lao động.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, kỹ sư giám sát công trình phải thực hiện những công việc sau:
- Kiểm tra chất lượng đầu vào của vật tư, máy móc, thiết bị.
- Giám sát tiến độ thi công, đảm bảo quá trình triển khai theo đúng kế hoạch.
- Thực hiện công tác rà soát nhằm phát hiện những sai sót, từ đó đưa ra các phương án giải quyết thích hợp.
- Giải quyết các vấn đề về vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy và an toàn lao động.
Mức lương ngành xây dựng vị trí giám sát công trình: Trung bình khoảng 12 triệu đồng/tháng và khoảng lương phổ biến từ 10-15 triệu đồng/tháng.
Kỹ thuật hiện trường
Hiểu một cách đơn giản, kỹ thuật hiện trường là những kỹ sư làm việc trực tiếp tại công trường xây dựng. Cùng với giám sát công trình, kỹ thuật hiện trường có trách nhiệm với những gì xảy ra tại công trường, đảm bảo chất lượng công trình, thời gian thi công và quy định về an toàn lao động.
Công việc của kỹ thuật hiện trường bao gồm những nhiệm vụ sau:
- Lập kế hoạch và giám sát quá trình thi công, đảm bảo công trình thi công đúng tiến độ và đạt chất lượng.
- Quản lý, sắp xếp và phân bổ công việc cho nhân công, nhà thầu phụ.
- Bóc tách khối lượng vật tư và lên kế hoạch nhập vật tư xây dựng.
- Chịu trách nhiệm về phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động.
- Báo cáo tình hình tiến độ thi công và các vấn đề phát sinh với cấp trên.
- Phối hợp với các bộ phận khác để nghiệm thu công trình, lập hồ sơ hoàn công, hồ sơ thanh toán.
Mức lương ngành xây dựng vị trí kỹ thuật hiện trường: Trung bình khoảng 11 triệu đồng/tháng và khoảng lương phổ biến từ 8-14 triệu đồng/tháng.
Kỹ sư xây dựng
Trong ngành xây dựng, kỹ sư xây dựng chính là vị trí thu hút được nhiều bạn trẻ sau khi ra trường. Trong vai trò kỹ sư xây dựng, bạn có trách nhiệm lên kế hoạch, thiết kế, quản lý, chỉ đạo và giám sát dự án.
Cụ thể, những công việc kỹ sư xây dựng phải thực hiện bao gồm:
- Khảo sát khu vực thi công, bao gồm địa chất và mặt bằng thi công. Đồng thời, kết hợp với những phân tích từ báo cáo, bản vẽ để đưa ra phương án thi công phù hợp.
- Nghiên cứu, đánh giá các rủi ro tiềm ẩn trong quá trình thi công, hạn chế tối đa các khoản chi phí phát sinh không mong muốn.
- Giải quyết các vấn đề phát sinh trong thời gian thực hiện dự án.
- Giám sát dự án, đảm bảo dự án được thi công theo đúng yêu cầu kỹ thuật và tiến độ.
- Tính toán khối lượng vật tư cần thiết cho dự án.
- Quản lý ngân sách dự án.
- Theo dõi, cập nhật và báo cáo tiến độ thi công hoặc các vấn đề phát sinh với chủ đầu tư.
- Thực hiện nghiệm thu công trình.
Mức lương ngành xây dựng vị trí kỹ sư xây dựng: Trung bình khoảng 13 triệu đồng/tháng và khoảng lương phổ biến từ 11-16 triệu đồng/tháng.
Kiến trúc sư
Khi nhắc đến việc làm ngành xây dựng, nhiều bạn trẻ sẽ nghĩ ngay đến vị trí kiến trúc sư. Đây được xem là nghề HOT nhất trong lĩnh vực xây dựng. Vì nghề kiến trúc sư cho phép các bạn trẻ dễ bộc lộ năng lực cá nhân, sớm khẳng định giá trị bản thân.
Khi trở thành một kiến trúc sư, bạn sẽ thực hiện những công việc sau:
- Khảo sát khu vực thi công, tiếp nhận thông tin từ khách hàng để lên ý tưởng thiết kế.
- Dựng phối cảnh 3D của công trình bằng các phần mềm thiết kế chuyên dụng.
- Giám sát quá trình thi công, đảm bảo công trình được thi công theo đúng bản vẽ thiết kế.
Mức lương ngành xây dựng vị trí kiến trúc sư: Trung bình khoảng 14 triệu đồng/tháng và khoảng lương phổ biến từ 10-19 triệu đồng/tháng.
Kỹ sư điện
Lắp đặt hệ thống điện là hạng mục không thể thiếu trong phần hoàn thiện khi xây dựng công trình. Lúc này, kỹ sư điện có trách nhiệm nghiên cứu, thiết kế và lắp đặt hệ thống điện. Qua đó, chúng ta có thể thấy được kỹ sư điện có vai trò quan trọng trong ngành xây dựng.
Danh sách công việc của kỹ sư điện gồm:
- Nghiên cứu và thiết kế hệ thống mạch điện của toàn bộ công trình.
- Thống kê số lượng vật tư và ngân sách dựa vào quy mô công trình.
- Sắp xếp và phân bổ nhân lực triển khai dự án.
- Kiểm tra, bảo dưỡng hoặc sửa chữa khi hệ thống điện gặp sự cố.
Mức lương ngành xây dựng vị trí kỹ sư điện: Trung bình khoảng 12 triệu đồng/tháng và khoảng lương phổ biến từ 9-15 triệu đồng/tháng.
Kỹ sư dự toán xây dựng
Kỹ sư dự toán (kỹ sư QS) là người tính toán khối lượng nguyên vật liệu, số lượng nhân công cần có để hoàn thành dự án. Bên cạnh đó, kỹ sư dự toán xây dựng có trách nhiệm tìm kiếm nguyên vật liệu và phải đảm bảo về mặt chất lượng vật tư.
Kỹ sư dự toán là công việc phù hợp với những bạn trẻ thích sự đổi mới và không muốn ngồi yên một chỗ. Bởi tính chất công việc của kỹ sư QS phải thường xuyên di chuyển, vừa làm việc ở công ty, vừa làm việc ở công trình và được tiếp xúc với nhiều dự án khác nhau.
Mức lương ngành xây dựng vị trí kỹ sư dự toán: Trung bình khoảng 13 triệu đồng/tháng và khoảng lương phổ biến từ 10-16 triệu đồng/tháng.
Tổng hợp mức lương ngành xây dựng – các nhóm nghề khác
Nếu bạn đam mê lĩnh vực xây dựng nhưng lại không được học đúng chuyên ngành thì bạn có thể tham khảo các vị trí kế toán hoặc nhân viên kinh doanh.
Kế toán xây dựng
Kế toán là vị trí không thể thiếu trong bất kỳ công ty nào, lĩnh vực xây dựng cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Trong các công ty xây dựng, kế toán chịu trách nhiệm bóc tách các chi phí để hạch toán dựa trên giá trị dự toán của công trình.
Bên cạnh đó, kế toán xây dựng còn đảm nhận những công việc sau:
- Theo dõi và bám sát dự toán để kịp thời cung cấp vật tư xây dựng cho dự án.
- Tính giá thành của từng hạng mục và toàn bộ dự án khi nghiệm thu.
- Lập báo cáo thuế theo từng tháng, quý và báo cáo tài chính cuối năm.
- Lập và theo dõi bảng lương của nhân công dựa trên tiến độ thi công thực tế.
- Lưu trữ và sắp xếp sổ sách, chứng từ, biên bản nghiệm thu, v.vv..
Mức lương ngành xây dựng vị trí kế toán xây dựng: Trung bình khoảng 11 triệu đồng/tháng và khoảng lương phổ biến từ 8-15 triệu đồng/tháng.
Nhân viên kinh doanh lĩnh vực xây dựng
Hiện nay, vị trí nhân viên kinh doanh được nhiều công ty xây dựng chú trọng, đặc biệt là khi mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt. Nhân viên kinh doanh lĩnh vực dựng đóng góp phần không nhỏ vào phát triển của doanh nghiệp.
Công việc của nhân viên trong lĩnh vực xây dựng gồm:
- Tìm kiếm khách hàng tiềm năng.
- Phối hợp với kiến trúc sư, kỹ sư để tư vấn dịch vụ cho khách hàng.
- Hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho khách hàng.
Mức lương ngành xây dựng vị trí nhân viên kinh doanh lĩnh vực xây dựng: Trung bình khoảng 9 triệu đồng/tháng và khoảng lương phổ biến từ 6-12 triệu đồng/tháng.
Nhìn chung, mức lương ngành xây dựng được đánh giá khá cao so với mặt bằng chung, mang lại cơ hội cho những ai đang theo đuổi ngành này. Hy vọng những kiến thức được cập nhật trong bài viết sẽ giúp bạn có hiểu rõ hơn về ngành xây dựng và có hướng đi đúng đắn khi chọn nghề nghiệp.
Ngồn Theo Topcv.vn